QUY TRÌNH SẢN XUẤT BÍ ĐỎ ĂN QUẢ

(Cucurbita moschata)

A. Giới thiệu

Bí đỏ, bí ngô hay bí rợ là một loại cây dây thuộc chi Cucurbitahọ Bầu bí (Cucurbitaceae). Đây là tên thông dụng để chỉ các loại cây thuộc các loài: Cucurbita pepoCucurbita mixtaCucurbita maxima, và Cucurbita moschata.

Nguồn gốc của bí ngô chưa được xác định tuy nhiên nhiều người cho rằng bí ngô có nguồn gốc ở Bắc Mỹ. Đây là loại quả lớn nhất trên thế giới. Quả bí nặng nhất hiện nay được cân vào năm 2014, nặng 1054 kg.

Quả bí ngô được dùng làm thức ăn, ngoài quả bí thì nụhoa, ngọn và  non cũng được thu hoạch. Thịt bí ngô chứa nhiều sinh tố và khoáng chất, cũng là một vị thuốc nam trị nhiều bệnh.

Trong các loại quả chứa hàm lượng dinh dưỡng cao, bí đỏ được xếp ở vị trí đầu tiên. Trong bí đỏ có chứa sắt, kali, photpho, nước, protein thực vật, gluxit, các axit béo linoleic, cùng các vitamin C, vitamin B1, B2, B5, B6, PP. Ăn bí đỏ rất tốt cho não bộ, làm tăng cường miễn dịch, giúp tim khỏe mạnh, mắt sáng, cho giấc ngủ ngon hơn và hỗ trợ cho việc chăm sóc da cũng như làm đẹp.

Quả bí đỏ giàu beta caroten tiền vitamin A, chứa 85 – 91% nước, chất đạm 0,8 – 2 g, chất béo 0,1 – 0,5 g, chất bột đường 3,3 – 11 g, năng lượng 85 -170 kJ/100 g.

Bí ngô xuất trong các lễ hội như Halloween, Chunking, các lễ hội và cuộc thi về bí đỏ.

Bảng giá trị dinh dưỡng của quả bí đỏ:

Giá trị dinh dưỡng trong  100 g quả bí đỏ tươi
Thành phần Lượng Đơn vị Thành phần Lượng Đơn vị
Calo (kcal) 26 K.cal Protein 1 g
Lipid 0,1 g Vitamin A 8.513 IU
Cholesterol 0 mg Canxi 21 mg
Natri 1 mg Vitamin D 0 IU
Kali 340 mg Vitamin C 9 mg
Cacbohydrat 7 g Sắt 0.8 mg
Chất xơ 0.5 g Vitamin B6 0.1 mg
Đường thực phẩm 2.8 g Magie 12 mg
  Nguồn:Từ USDA (U.S. Department of Agriculture)  

Bí đỏ cho năng suất cao, từ 20-30 tấn/ha/vụ tùy giống, thời vụ và điều kiện thâm canh của từng địa phương. Trong điều kiện canh tác bình thường người nông dân có thể thu lãi 50-60 triệu/ha/vụ.

B. Quy trình kỹ thuật

I. Điều kiện ngoại cảnh

Bí đỏ thích nghi rộng với điều kiện vùng nhiệt đới, bí có thể trồng ở đồng bằng cho đến cao nguyên có cao độ 1.500 m. Nhiệt độ thích hợp cho cây sinh trưởng và phát triển từ 18 – 27ºC. Cây sinh trưởng tốt trong điều kiện cường độ chiếu sáng mạnh, có khả năng chịu hạn khá nhưng nếu khô hạn quá dễ bị rụng hoa và trái non.

Nhiệt độ và độ dài ngày đều có ảnh hưởng trên sự hình thành tỉ lệ hoa đực và cái trên cây. Ngày dài và nhiệt độ cao thích hợp cho cây ra nhiều hoa đực.

Cây không kén đất nhưng đòi hỏi phải thoát nước tốt, vì cây chịu úng kém nhưng chịu khô hạn tốt. Ẩm độ cao không thích hợp cho cây phát triển vì dễ phát sinh bệnh trên lá.

1. Giống

Hiện nay Công ty TNHH Phát Triển Nông Nghiệp Việt Á có những giống bí đỏ ăn quả như sau:

Bí đỏ hạt đậu trái dài F1 VA.99, Bí đỏ lai F1 Super Sweet VA.999, Bí hạt đậu VA.898, Bí hạt đậu VA. 888: Là những giống sinh trưởng phát triển khỏe, nhiều chèo (nhánh), trái dạng hình hạt đậu, đặc ruột, thịt màu vàng cam, dẻo. Trọng lượng từ 1.2-1.6 kg/trái, khả năng đậu trái cao mỗi dây có 4-5 trái. Thời vụ trồng quanh năm. Thời gian thu hoạch 65-70 ngày sau trồng tùy thời tiết, vùng trồng và mục đích sử dụng.

Bí ngô mật cao sản VA. 999: Là giống bí đỏ cao sản, quả thuôn dài, hơi thắt ở giữa. Cây sinh trưởng rất khỏe, nhiều nhánh, dễ đậu quả, thích nghi nhiều vùng khí hậu khác nhau, khả năng kháng bệnh tốt, quả khi xanh có màu xanh đậm, khi chín chuyển sang màu đỏ ánh vàng, thịt màu vàng đỏ, thơm và ngọt. Trọng lượng quả trung bình từ 2-4kg. Thời gian thu hoạch 80-85 ngày. Thời vụ trồng Vụ Xuân tháng 2-4. Vụ Thu Đông tháng 8-10.

Bí ngô mật F1 FuJi VA.880: Là giống bí đỏ F1, quả thuôn dài, hơi thắt ở giữa. Cây sinh trưởng rất khỏe, nhiều nhánh, dễ đậu quả, thích nghi nhiều vùng khí hậu khác nhau, khả năng kháng bệnh tốt, quả khi xanh có màu xanh đậm, khi chín chuyển sang màu đỏ ánh vàng, thịt màu vàng đỏ, thơm và ngọt. Trọng lượng quả trung bình từ 2,5-4,5 kg. Thời gian thu hoạch 75-85 ngày. Thời vụ trồng Vụ Xuân tháng 2-4. Vụ hè thu tháng 5-6, Vụ Thu Đông tháng 8-10.

2. Thời vụ

Bí đỏ có thể trồng quanh năm, nhưng tập trung vào 2 vụ chính:

Vụ Đông xuân trồng tháng 11 – 12, thu hoạch tháng 1 – 3.

Vụ Hè thu trồng tháng 4 – 5, thu hoạch tháng 6 – 9.

3. Kỹ thuật trồng

Xử lý hạt giống: Ngâm hạt trong nước ấm 3 sôi, 2 lạnh (45 -50ºC) khoảng 10 phút, sau đó vớt ra cho vào khăn, vải ủ cho đến khi nứt nanh thì đem trồng.

Kỹ thuật làm đất: Đất trồng phải đảm bảo đủ điều kiện cho sản xuất rau an toàn theo quy định.

Đất phù hợp cho bí là loại đất thịt nhẹ, đất cát pha, đất phù sa sông, tơi xốp, giàu mùn và dinh dưỡng.

Dọn sạch cỏ và tàn dư thực vật;. Làm đất kỹ, tơi nhỏ, lên luống cao 25 – 30 cm, rãnh rộng 25 – 30 cm, mặt luống rộng từ 2,0 – 2,5 m, bằng phẳng dễ thoát nước để tránh ngập úng khi gặp mưa.

Kỹ thuật gieo hạt: Gieo 2 hàng/luống với khoảng cách cây cách cây là 40 – 45 cm, hàng cách hàng 50 cm. Nên gieo 2 hạt/hốc, khi cây được 2 -3 lá thật thì loại bỏ cây xấu hoặc trồng dặm những hốc không mọc, hoặc mọc yếu.

4. Phân bón và chất phụ gia

Sử dụng phân bón hợp lý, cân đối, ưu tiên sử dụng phân hữu cơ đã ủ hoai mục, tuyệt đối không dùng phân tươi, nước phân tươi, nước giải tươi để bón và tưới cho  cây bí. Bón bổ sung phân hữu cơ vi sinh, hữu cơ sinh học.

Lượng bón và phương pháp bón như sau:

Loại phân Lượng bón Bón lót (%) Bón thúc (%) Ghi chú
(kg/ha) (kg/sào) Lần 1 Sau đợt

thu hái

Phân chuồng ủ hoai 7.000 – 8.500 250 – 300 100 Thời gian bón thúc lần 1: Sau gieo 15 ngày (2 -3 lá thật).

Các lần bón tiếp theo: Chia đều, bón ngay sau các đợt thu hái (trung bình 12 -15 ngày/lứa thu hái)

– Phân NPK Lâm Thao: Tỷ lệ 5:10:3.

– Theo dõi sinh trưởng cây trồng, chỉ bón thúc đạm urê sau các đợt thu hái khi cây có nhu cầu.

Phân hữu cơ vi sinh 850 – 980 30 – 35 30 20 50
Đạm  urê 100 – 120 3 – 4 15 85
Super lân 280 – 330 10 – 12 50 20 30
Kali sulfat 120 – 140 4 – 5 20 80
NPK Lâm Thao 330 – 420 12 – 15 30 20 50

Chú ý: Đảm bảo thời gian cách ly với phân đạm urê ít nhất 10 ngày trước khi thu hoạch.

Trường hợp không có phân chuồng hoai mục, có thể dùng phân hữu cơ vi sinh để thay thế với lượng dùng theo khuyến cáo, đảm bảo cây sinh trưởng, phát triển tốt.

5. Chăm sóc

Tưới nước: Sau khi gieo mỗi ngày tưới đẫm một lần đến khi rau bí mọc đều thì 2 – 3 ngày tưới một lần (có thể tưới rãnh hoặc tưới hốc tùy vào điều kiện thực tế của từng vùng).

Sử dụng nguồn nước đủ tiêu chuẩn theo quy định (nước sông, hồ lớn, nước ngầm và nước giếng khoan đã qua xử lý). Tuyệt đối không sử dụng nguồn nước ô nhiễm (nước thải công nghiệp, nước thải từ các bệnh viện, khu dân cư tập trung, trang trại chăn nuôi, lò giết mổ gia súc, ao tù đọng, nước thải sinh hoạt …) để tưới cho rau bí.

Khi rau bí có 3 – 4 lá thật, cần vun gốc kịp thời để tạo cho rau bí sinh trưởng phát triển tốt.

Kết hợp làm cỏ, xới xáo và cắt tỉa lá già, loại bỏ cây bệnh tạo cho ruộng rau thông thoáng, hạn chế sâu bệnh.

6. Phòng trừ sâu bệnh

Biện pháp canh tác, thủ công.

Nên trồng luân canh với cây Lúa nước và các cây trồng cạn khác họ Bầu bí nhằm hạn chế nguồn sâu bệnh chuyển tiếp.

Thường xuyên kiểm tra đồng ruộng để phát hiện kịp thời các đối tượng sâu bệnh hại

Dùng biện pháp thủ công như: bắt giết sâu non, ngắt lá bị dòi đục, rệp hại nặng đem tiêu hủy. Riêng bệnh phấn trắng phát sinh từ các lá gốc rồi lan dần lên các lá phía trên, nên cắt lá bệnh từ gốc khi bệnh xuất hiện, vừa tạo độ thông thoáng cho ruộng, vừa hạn chế tốc độ phát sinh của bệnh.

Biện pháp sử dụng thuốc BVTV.

Giai đoạn đầu vụ (từ 10 – 40 ngày sau gieo).

Chú ý các đối tượng sâu bệnh là dòi đục lá, bệnh phấn trắng, rệp, bọ trĩ, sâu khoang, sâu xanh.

Sử dụng thuốc BVTV hóa học thế hệ mới để phòng trừ khi mật độ sâu bệnh cao.

Sâu khoang, sâu xanh:Mật độ >3 con/m² xử lý bằng các loại thuốc có hoạt chất Lufenuron (Match 050EC, …), hoạt chất Indoxacarb (Ammate 150SC, Ammate 30WDG, …).

Rệp, bọ trĩ, dòi đục lá: > 15 % cây bị nhiễm ở cấp 1-2 xử lý bằng các loại thuốc có hoạt chất Lufenuron (Match 050EC…), hoạt chất Chlorantraniliprole (Prevathon® 5SC…)

Bệnh phấn trắng: >15% lá bị bệnh cấp 1 – 3 xử lý bằng các loại thuốc có hoạt chất Cymoxanil + Mancozeb (Jack M9 72WP …), hoạt chất Propineb (Antracol 70WP…), hoạt chất Chlorothalonil (Daconil 75WP…), hoạt chất Difenoconazole (Score 250EC…).

Giai đoạn giữa các lứa thu hái (10 – 12 ngày/lứa)

Chú ý các đối tượng sâu khoang, bọ trĩ, nhện đỏ và bệnh phấn trắng .

Sử dụng các loại nguồn gốc sinh học và hóa học thế hệ mới khi sâu bệnh phát sinh gây hại với mật độ cao:

Sâu khoang mật độ >10 con/m² , bọ trĩ > 50% cây bị hại cấp 1-2; dòi đục lá > 40% lá bị hại cấp 3-5; nhện đỏ > 30% lá bị hại cấp 3-5 xử lý các loại thuốc có hoạt chất hoạt chất Emamectin benzoate (Tasieu 2 WG, Susupes 1.9EC, Dylan EC, Silsau super 5WP…), hoạt chất Abamectin (Reasgant 2WG, Kuraba 3.6EC, Vertimec 1.8EC, …).

Bệnh phấn trắng > 20% số lá bị bệnh cấp 3-5 xử lý các loại thuốc có hoạt chất Difenoconazole (Score 250EC…).

Chú ý: Rau bí cho thu hái liên tục theo lứa (12 – 15 ngày/1 lứa), do vậy phải đảm bảo đủ thời gian cách ly đối với từng loại thuốc theo hướng dẫn trên nhãn thuốc.

7. Thu hoạch, sơ chế, bảo quản

Tùy theo mục đích sử dụng có thể thu tỉa một số quả ăn non. Đối với loại bí ăn già, chín, thu hoạch khi vỏ quả rắn, chuyển màu vàng. Những quả non để lại và tiếp tục chăm sóc cây.

Khi thu hoạch phải nhẹ nhàng, tránh đứt dây, chú ý không để dập nát để nơi khô mát, sau đó đóng vào bao bì sạch để vận chuyển đến nơi tiêu thụ. Dụng cụ thu hái phải đảm bảo vệ sinh sạch sẽ.

 

Bình luận