QUY TRÌNH KỸ THUẬT TRỒNG LẶC LÈ

1. Giống

Hiện nay công ty TNHH Phát triển Nông nghiệp Việt Á cung cấp hạt giống lặc lè sau:

Hạt giống lặc lè F1 VA.03 (Hybrid F1 Short Snake Gourd)

Cây phát triển rất khỏe, năng suất cao. Trái có màu da xanh, thon dài trung bình từ 30-40 cm, có sọc trắng bóng, vị ngọt thơm.

Thời gian thu hoạch: Sau 40-45 ngày sau gieo, phù hợp cho chế biến, thức ăn tươi hàng ngày.

Năng suất 15-20kg/gốc.

Thời vụ trồng: Quanh năm.

Lượng giống cần thiết: 100-150g/1000 m².

Hạt giống lặc lè OP VA.04 (Short Snake Gourd)

Cây phát triển rất khỏe, năng suất cao. Trái có màu da xanh, thon dài trung bình từ 18-30 cm, có sọc trắng bóng, vị ngọt thơm.

Thời gian thu hoạch: Sau 40-45 ngày sau gieo, phù hợp cho chế biến, thức ăn tươi hàng ngày.

Thời vụ trồng: Quanh năm.

Lượng giống cần thiết: 200 – 250 g/1000 m².

2.Thời vụ trồng

Thời vụ trồng: Có thể trồng lặc lè quanh năm.

3.Kỹ thuật gieo trồng

Cây lặc lè thích hợp với đất cát pha dễ thoát nước. Khi làm đất bạn phải trộn thêm cả phân chuồng đã ủ mục để tăng thành phần dinh dưỡng cho đất.

Ngâm ủ, gieo hạt

Trước khi tiến hành trồng lặc lè cần phải ngâm ủ hạt bởi vỏ của hạt khá dày. Ngâm vào nước ấm ở nhiệt độ khoảng 40°C trong vòng 7 – 10 giờ. Sau đó đem ủ vào khăn ẩm cho hạt nứt nanh rồi mới đem gieo. Nên gieo vào trong khay hoặc túi bầu để đảm bảo chất lượng cây con. Sau 10-15 ngày sau gieo cây cao 10-15cm có thể chuyển ra đồng ruộng để trồng.

Có thể tiến hành gieo mà không ngâm ủ, tuy nhiên như vậy hạt giống sẽ lâu nảy mầm hơn.

Khoảng cách trồng

Trồng trên ruộng:

Làm luống 1,2 – 1,5m, rãnh 0,4 – 0,5m.

Trồng hàng cách hàng x cây cách cây 0,5 – 0,8m x 0,4-0,5m.

Trồng giàn bằng:

Hàng cách hàng: 2 – 2.5m  

Cây cách cây: 0.5 – 0.6m

Làm giàn

Khi cây được khoảng 10-15 ngày, lúc này cây lặc lè đã đạt chiều cao khoảng 20 cm. Làm  giàn cho lặc lè giống như những loại giàn cho bầu hoặc bí khác.

Chăm sóc

Cung cấp đủ nước, tạo độ ẩm thích hợp. Đến khi cây được 4-5 lá thì bón thúc cho cây. Khi cây cao tầm 20 – 30 cm bấm ngọn cho cây phát triển nhánh.

Đến giai đoạn cây bắt đầu ra quả, bón thêm phân chuồng hoai mục cộng thêm đạm và phân kali nhằm cung cấp đủ dinh dưỡng cần thiết cho cây ra nhiều quả và thời gian ra quả kéo dài.

4.Bón phân

Qui trình và cách bón phân (cho 1.000 m²)

Loại phân và lượng phân tùy thuộc vào loại đất và điều kiện từng vùng. Tuy nhiên chúng tôi đưa ra quy trình tham khảo được áp dụng hiệu quả cho nhiều vùng trồng như sau:

*Lượng phân:

Phân chuồng: 5m³ Super lân: 50kg Urê: 31kg
Vôi: 50kg NPK 16-16-8: 60kg DAP: 12kg
KCL: 39kg  

*Cách bón:

Lần bón Thời gian bón Lượng phân
Bón lót Lúc làm đất  5m³ phân chuồng + 50kg Super lân + 21kg NPK + 14kg KCL + 50kg vôi.
10, 17, 24 ngày sau gieo 3kg Urê + 5kg NPK + 4kg DAP
Bón thúc 32, 42, 50, 60 ngày sau gieo 4kg Urê + 3kg NPK + 4kg KCL
70, 80, 90 ngày sau gieo 2kg Urê + 4kg NPK + 3kg KCL

 Lưu ý:

  • Nên rãi vôi cùng lúc cày bừa để tăng hiệu quả của phân hóa học.
  • Nên bón phân xa dần gốc theo tuổi của cây, bón sâu 5 – 7 cm để tăng hiệu quả phân bón.
  • Nên kết hợp làm cỏ cùng các lần bón phân để tăng hiệu quả phân bón.
  • Nên bón phân đúng lúc và đúng lượng khuyến cáo
  • Nếu trồng trong mùa nắng nên sử dụng thêm một số phân vi lượng sau:
  • MgSO₄ (2 kg), MnSO₄ (4 kg), Borax (1,5 kg)/ 1.000 m² bón lót vào trong đất hoặc dùng Magnisal, Botrac… phun qua lá.
  • 5. Phòng trừ sâu bệnh

Cây lặc lè là loại cây ít bị sâu bệnh hại, tuy nhiên cần chú ý những sâu bệnh hại sau.

Sâu và động vật gây hại

Chuột: Cắn phá hạt lúc gieo dùng thuốc chuột Phospho kẽm, Clerat, bẫy hoặc sau khi gieo nên phun thuốc trừ sâu có mùi hôi làm chuột không dám đến gần.

Dế, sâu đất, sùng đất: Ăn đứt rễ mầm hạt giống, đọt non, cây non, xử lý Basudin hạt vào đất 10 – 15kg/ha (xử lý thuốc dọc theo đất trồng), rải 20 – 30 hạt Basudin/hốc sau khi gieo.

Sâu vẽ bùa (dòi đục nõn): Sâu đục nõn dưới lớp biểu bì, làm lá dễ bị khô cháy, nhiễm bệnh dẫn đến thất thu năng suất, xử lý: Thianmectin 0.5 ME

Sâu xanh, sâu ăn tạp: Cắn phá lá non, đọt non, bông, trái mướp suốt từ cây con đến thu hoạch, xử lý: Thianmectin 0.5 ME, Peran, Amate

Bọ trĩ, rầy mềm, rầy bông: Chích hút đọt non, lá non làm cây kém phát triển dẫn đến năng suất kém, xử lý: Oncol, Confidor, Decis 25EC.

Rầy trắng, rầy xanh: Chích hút nhựa, truyền bệnh virus làm cây không phát triển. Xử lý: Mospilan, Oncol, Thianmectin 0.5 ME + Dầu khoáng.

Bệnh hại

Bệnh thối cổ rễ: Vết bệnh xuất hiện tiếp giáp với mặt đất giữa rễ và thân. Phòng trừ: No Mildew 25 WP, Bảo Đắc tưới rễ, Marthian 90 SP

Cháy lá, đốm lá: Trên lá xuất hiện những đốm bệnh màu nâu đến màu xám. Xử lý: Thane- M 80WP, hoặc Bavisan 50 WP + No Mildew 25WP

Thán thư và đốm lá do vi khuẩn: Các đốm bệnh xuất hiện trên lá già, nếu bệnh nặng có thể lây lan qua trái. Xử lý: Marthian 90 SP, No Mildew 25 WP, Thane M 80WP,…

Bình luận