QUY TRÌNH KỸ THUẬT TRỒNG BÍ XANH, BÍ SẶT

(Benincasa hispida)

A. Giới thiệu

Bí đao hay bí xanh, bí phấn hoặc bí trắng (Benincasa hispida hay Cucrubita hispida) là loài thực vật thuộc họ Bầu bí dạng dây leo, trái ăn được, thường dùng nấu ăn như một loại rau.

Bản địa của bí xanh là vùng Đông Nam Á nhưng nay phổ biến trồng khắp từ Nam Á sang Đông Á. Cây bí xanh sinh trưởng trong điều kiện khí hậu ấm nhưng trái của nó thì chịu được nhiệt độ thấp, có thể để qua mùa đông mà không hư mặc dù dây bí xanh chỉ mọc năm một, đến đông thì tàn.

Bí xanh phổ biến ở Việt Nam có 2 loại bao gồm: Một loại quả nhỏ, dài, ít ruột, vỏ nhẵn dày cứng và một loại quả to, nhiều ruột, vỏ có lớp phấn sáp màu trắng.

Bí xanh (bí đao) được trồng ở hầu hết các vùng trong cả nước. Tùy thuộc vào điều kiện khí hậu, thời tiết, đất đai, tập quán canh tác của từng vùng mà người nông dân chọn lựa những giống bí xanh (bí đao) khác nhau. Các vùng trồng nhiều bí xanh: Hải Dương, Thái Bình, Nam Định, Hà Nội….

Bí xanh cung cấp nhiều chất xơ và không có chứa lipid, thành phần chủ yếu của trái cây này là nước. Tuy nhiên các loại vitamin và khoáng chất mà bí xanh cung cấp khá đa dạng, Trong mỗi 100g bí xanh sẽ cung cấp cho chúng ta 19 mg canxi, 12 mg phốt pho, 2.4 g glucid, 0.4 g protid, 0.4 mg sắt và nhiều loại vitamin và khoáng chất như: Vitamin A, B1, B2, B3, B9, C, E và kali, magie…

Giá trị dinh dưỡng trong  100g bí xanh (đao)

Giá trị dinh dưỡng trong  100g bí xanh (đao)
Thành phần Lượng Đơn vị Thành phần Lượng Đơn vị
Calo (kcal) 12 K.cal Protein 0.4 g
Lipid 0.2 g Vitamin A 0 IU
Cholesterol 0 mg Canxi 19 mg
Natri 111 mg Vitamin D 0 IU
Kali 6 mg Vitamin C 13 mg
Cacbohydrat 3 g Sắt 0.4 mg
Chất xơ 2.9 g Vitamin B6 0 mg
Đường thực phẩm g Magie 10 mg
  Nguồn:Từ USDA (U.S. Department of Agriculture)  

 B. Quy trình kỹ thuật

I. Điều kiện ngoại cảnh

Bí xanh là cây ưa ẩm, nhiệt độ thích hợp từ 24 – 28ºC. Hạt có thể nảy mầm ở nhiệt độ 10 – 15ºC, nhưng tốt nhất là 25ºC.

Thời kỳ cây con đến ra hoa cần yêu cầu độ ẩm đất 65 – 70%, thời kỳ ra hoa kết quả cần độ ẩm đất 70 – 80%. Bí xanh chịu úng kém, thời kỳ ra hoa, kết quả gặp độ ẩm lớn do mưa hoặc tưới không hợp lý sẽ gây vàng lá, rụng hoa, rụng quả.

Bí xanh yêu cầu ánh sáng ngày ngắn. Cây có thể sinh trưởng phát triển tốt ở điều kiện ánh sáng cường độ mạnh. Song để cho quả phát triển bình thường thì lại cần cường độ ánh sáng vừa phải. Ánh sáng trực xạ cường độ mạnh ảnh hưởng xấu đến sinh trưởng phát triển: Dễ gây rụng hoa, quả non, quả dễ bị thối rám hoặc màu sắc quả bị thay đổi sang màu xanh nhạt hoặc trắng xanh, giảm chất lượng quả.

Có thể trồng ở đất thịt vừa, hơi nặng, nhưng thích hợp trên đất thịt nhẹ và phù sa, pH thích hợp 6,5 – 8,0.

II. Biện pháp kỹ thuật

1. Giống

Hiện nay Công ty TNHH Phát triển Nông nghiệp Việt Á có các giống bí sau:

Bí xanh cao sản VA.224 (Wax Gourd VA.224)

Là giống bí cao sản, xuất xứ Việt Nam. Giống kháng bệnh tốt, sai trái, trái dài (60-70 cm), da xanh. Trọng lượng quả trung bình 2-3.5 kg. Thời vụ trồng Đông –Xuân, Thu Đông. Thời gian thu hoạch 75-85 ngày sau gieo. Khoảng cách trồng hàng cách hàng 85-90 cm, cây cách cây 50×50 cm. Lượng giống: 1-1.2 kg/ha.

Bí sặt VA.205

Là giống bí cao sản, xuất xứ Việt Nam. Giống kháng bệnh tốt, sai trái, trái dài (60-80 cm), da xanh, hình dạng quả đẹp. Thời vụ trồng quanh năm, chính vụ Thu Đông – Đông Xuân. Thời vụ thu hoạch 75-85 ngày sau gieo. Khoảng cách trồng hàng x hàng 85-90 cm, cây cách cây 50×50 cm. Lượng giống: 0.8-1.3 kg/ha.

Bí đao xanh lai F1. VA206:

Giống kháng bệnh tốt, sai trái, trái dài (60-80 cm), da xanh, hình dạng quả đẹp. Thời vụ trồng quanh năm, chính vụ Thu Đông – Đông Xuân. Thời vụ thu hoạch 75-85 ngày sau gieo. Khoảng cách trồng hàng x hàng 85-90 cm, cây cách cây 50×50 cm. Trồng bò: 270 g/ha, trồng giàn: 540 g/ha.

2. Thời vụ

Vụ Xuân Hè: 1 – 3 dương lịch tốt nhất gieo 25/1 – 25/2

Vụ Thu Đông: Gieo hạt từ 15 tháng 8 đến 15 tháng 9

3. Kỹ thuật gieo trồng

Hạt giống nên gieo trong khay bầu. Vườn ươm đặt nơi khô ráo, đủ nắng, chủ động chăm sóc và tưới tiêu.

Giá thể gieo hạt: Đất phù sa, xơ dừa, mùn mục được phối trộn với tỷ lệ: 40% đất phù sa + 45% (xơ dừa, trấu hun) + 15% (mùn mục) + (5 g Ure + 15 gam Super lân)/100 kg hỗn hợp. Giá thể này được xử lý nấm bệnh trước khi sử dụng 5-10 ngày.

Xử lý hạt giống: Ngâm trong nước sạch 4-6 giờ, đãi sạch sau đó ủ ấm, ẩm, nứt nanh rồi gieo. Gieo 1 hạt/bầu, gieo xong phủ một lớp giá thể mỏng vừa kín hạt. Tưới giữ ẩm đến khi cây mọc đều.

Chăm sóc cây con: Duy trì độ ẩm bầu 70-80% trong suốt giai đoạn cây con. Trước khi trồng cần nhúng khay bầu vào dung dịch thuốc Ridomil 68WP thời gian 2-3 phút để xử lý nấm bệnh hại rễ.

Khi cây con được 15-20 ngày (vụ Thu Đông) và 20-25 ngày (vụ Đông Xuân). Cây cao 8-10 cm, có 1-2 lá thật, thân cứng, không sâu, bệnh hại tiến hành trồng ra vườn hoặc đồng ruộng.

Làm đất, lên luống, bón phân: Luống rộng 1,8-2,0 m, rãnh luống rộng khoảng 25-30 cm. Mật độ trồng 25.000 cây/ha, khoảng cách trồng (85-90 x 50 cm).

Trồng thả bò: Luống rộng 3,5-4,0 m, cao 25-30 cm. Mật độ trồng 19.000 cây/ha.

Sau trồng cần tưới nhẹ đảm bảo đủ ẩm cho cây mau bén rễ hồi xanh. Duy trì độ ẩm cho cây sinh trưởng phát triển bình thường. Thời kỳ cây ra hoa, đậu quả nên tưới thấm, đảm bảo đủ nước cho cây phát triển bình thường. Sau mưa cần khẩn trương rút hết nước trong rãnh, không để ngập úng.

5. Phân bón

Sử dụng các loại phân bón có trong danh mục phân bón được phép sản xuất, kinh doanh và sử dụng ở Việt Nam, ưu tiên, lựa chọn các loại phân hữu cơ đã qua xử lý, phân hữu cơ sinh học, phân vi sinh.

Khi sử dụng phân bón và hoá chất phải tuân theo hướng dẫn ghi trên nhãn mác hoặc qua tư vấn của cơ quan chuyên môn.

Liều lượng phân bón cho 1 ha:

Vụ Đông Xuân: 5 tấn hữu cơ + 140 kg N+100 kg P205 + 144 kg K20, tương đương 5 tấn hữu cơ + 300 kg đạm urê + 600 kg lân supe + 240 kg  Kali clorua.

Vụ Thu Đông: 5 tấn hữu cơ + 120 kg N+100 kg P205 + 144 kg K20, tương đương 5 tấn hữu cơ + 260 kg đạm urê +600 kg lân supe + 240 kg Kali clorua.

Sử dụng loại phân hỗn NPK: Bón 5 tấn phân hữu cơ + 700 kg loại phân NKP 13:13:13 – TE + 50 kg đạm urê/1 ha hoặc dùng 600 kg NPK 16:16: 8 + 50 kg đạm urê/1 ha.

Cách bón:

TT Loại phân Tổng số Bón lót Bón thúc
I II III
1 Phân hữu cơ (tấn) 5,0 5,0
2 Phân đạm ure (kg) 260-300 50-60 80-100 130-140
3 Phân lân Supe (kg) 600 600
4 Phân kali (kg) 240 50 90 100

Bón lót: Đánh rạch hoặc bổ hốc và bón toàn bộ phân hữu cơ, phân lân, được đảo đều với đất, lấp đất trước khi trồng 2 – 3 ngày.

Bón thúc lần 1: Sau trồng 10-12 ngày, kết hợp với vun xới đợt 1.

Bón thúc lần 2: Sau trồng 25-30 ngày, kết hợp với vun đợt 2.

Bón thúc lần 3: Khi cây ra hoa và đậu quả rộ.

Trong trường hợp cây sinh trưởng phát triển kém, cần bổ sung bằng phân tổng hợp NPK 16:16:8 pha loãng nồng độ 5% tưới vào giữa luống.

6. Chăm sóc

Tưới nước: Sau trồng cần tưới nhẹ đảm bảo đủ ẩm cho cây mau bén rễ hồi xanh. Duy trì độ ẩm cho cây sinh trưởng phát triển bình thường. Thời kỳ cây ra hoa, đậu quả nên tưới thấm, đảm bảo đủ nước cho cây phát triển bình thường. Sau mưa cần khẩn trương rút hết nước trong rãnh, không để ngập úng.

Cắm giàn hoặc phủ rơm: Dàn cắm chữ A hoặc giàn vòm, dàn chữ A yêu cầu cây dóc dài >2,5 m, giàn kiểu vòm yêu cầu vòm cao >1,5 m.

Trồng thả bò, sau vun xới đợt 2, phủ rơm, rạ trên mặt luống để cho cây bí bò, bám và quả nằm trên rơm/rạ.

Tỉa cành, định quả: Vụ xuân, sau trồng 20 – 25 ngày tiến hành bấm nhánh. bấm toàn bộ nhánh chỉ để 1 thân chính. Mật độ 2,5 vạn cây/ha  có thể để 1 chính: 1 thân phụ

Vụ Thu Đông, mật độ 2,5 vạn cây/ha để 1 thân chính, mật độ 1,9 vạn cây/ha để 1 thân chính và 1-2 thân phụ.

7. Phòng trừ sâu bệnh

Áp dụng các biện pháp quản lý cây trồng tổng hợp (ICM) nhằm hạn chế thấp nhất việc sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật như: Vệ sinh đồng ruộng, làm sạch cỏ, cày đất sớm để trừ các trứng, nhộng, sâu non trong đất, luân canh với cây lúa nước.

Tập trung phòng trừ ở thời kỳ cây con để hạn chế thấp nhất sự phát sinh sâu bệnh trong thời gian thu quả.

Người sản xuất phải nắm vững kỹ thuật sử dụng thuốc theo nguyên tắc 4 đúng, đặc biệt tuân thủ nghiêm ngặt nồng độ, thời gian cách ly của từng loại thuốc theo sự hướng dẫn của đơn vị sản xuất thuốc ghi trên bao bì

Một số sâu bệnh hại chính và cách phòng trừ.

1) Ruồi đục lá (Liriomyza sativae) Sâu non nằm giữa 2 lớp biểu bì ăn phần diệp lục để lại đường đục ngoằn nghèo trên lá. Thường có mật độ cao ở thời kỳ cây ra hoa rộ-quả, vào tháng 3-5 và 9-11 trong năm.

2) Sâu ăn lá dưa Diaphania indica: thường có mật độ cao khi cây sinh trưởng tốt sau trồng 25-30 ngày, chúng hại búp, lá non. Gây hại chính ở vụ Xuân Hè và Thu Đông sớm.

3) Rệp Aphis craccivora Koch: Chúng thường xuất hiện trong điều kiện thời tiết khô hanh, hạn hán. Mật độ thường tăng rất nhanh do chúng đẻ ra con, trong năm thường gây hại nặng vào các tháng 3-5 và 9-11 trong năm.

4) Bọ trĩ (Thrip spp.) Bọ trĩ chích hút dịch ở lá, ngọn, thân non làm lá bị xoăn, cứng và giòn. Trong năm chúng thường có mật độ cao vào các tháng 3-5 (vụ Xuân Hè) và tháng 9-11 (vụ Thu Đông).

Phòng trừ sâu hại: Áp dụng các biện pháp canh tác, thủ công, sinh học. Theo dõi phát hiện sớm, khi cần phun các loại thuốc: Elincol 12 ME, Vertimex 1.8EC; Sherpa 25EC, Trebon 30EC (trừ sâu ăn lá), Confidor 100SL, Oshin 20WP, Elsin 10EC (trừ các loại chích hút), …

5) Bệnh héo xanh vi khuẩn Pseudomonas solanacearum Smith: Gây hại ở tất cả các thời kỳ của cây nhưng nghiêm trọng nhất là thời kỳ hoa – quả và bệnh phát triển thuận lợi ở nhiệt độ 25-30 ºC. Bó mạch thâm nâu, cây không hút được nước, héo và chết.

6) Bệnh giả sương mai: Pseudoperonospora cubensis: Bệnh phát sinh nặng trong điều kiện nhiệt độ dưới 20 ºC ẩm độ không khí cao. Gây hại cả thân, lá và thường gây hại nặng trên bí xanh, bí sặt vụ Thu Đông và Xuân Hè sớm.

7) Bệnh phấn trắng ( Erysiphe sp):Bệnh phấn trắng gây hại cả 2 mặt lá, nhưng thường phát sinh gây hại mạnh ở mặt trên. Nấm bệnh tồn tại trong hạt giống tàn dư cây bệnh và lan truyền theo gió.

8) Bệnh khảm lá (Cucumber mosais virus): Do virus gây hại, nếu bị bệnh từ khi cây còn nhỏ, cây còi cọc lá xoăn nhỏ và thường không ra quả. Bệnh do côn trùng chích hút truyền bệnh chủ yếu là rệp, bọ trĩ, lây từ cây bệnh sang cây khoẻ. Phải trừ môi giới truyền bệnh.

Phòng trừ bệnh hại: Xử lý hạt giống, chọn giống kháng, dọn sạch tàn dư cây bệnh tiêu hủy. Khi cần thiết phải phun thuốc:- Phòng trừ bệnh héo xanh: Phun hoặc tưới gốc định kỳ bằng thuốc Funguran-OH 50WP, hoặc các thuốc gốc đồng để ngừa bệnh, Exin 4.5 HP (Phytoxin VS), Bactocide,…

Các thuốc trừ bệnh sương mai, phấn trắng: Juliet 80 WP, Vicarben-S 70 BTN, Daconil 500SC, Đồng oxyclorua (Vidoc) 80 BTN, Aliette 80WP, Ridomil Gold 68WP, Tilt Super 300EC, Bellkute 40WP. Ensino 40 SC, Binhnomyl 50WP, Manage 5WP,…

8. Thu hoạch

Thu hoạch: Thu hoạch đúng lúc, đúng lứa quả, thu hoạch khi thời tiết thuận lợi nhất, hạn chế xây sát quả và nhiễm bẩn sản phẩm.

Rửa, sơ chế, phân loại và đóng gói sản phẩm: Phải sử dụng các nguồn nước sạch để rửa sản phẩm nếu cần. Cần phân loại sản phẩm để đảm bảo độ đồng đều về kích cỡ, màu sắc, độ chín của quả.Việc đóng gói sản phẩm bí xanh phải được tiến hành trong nhà xưởng được thiết kế phù hợp. Bao bì đóng gói phải được làm từ các vật liệu phù hợp, không độc hại và được kiểm tra đảm bảo không gây nhiễm bẩn sản phẩm.

Bảo quản sản phẩm trước khi tiêu thụ: Sản phẩm bí xanh được bảo quản trong các kho chuyên dụng, được thiết kế phù hợp và không gần các nguồn có nguy cơ nhiễm bẩn do hóa chất, vi sinh vật và các yếu tố độc hại khác.

Cần bảo quản sản phẩm ở nhiệt độ và ẩm độ thích hợp nhất để hạn chế sự phát triển của các vi sinh vật và các chất độc hại và kéo dài thời gian bảo quản.

 

Bình luận