QUY TRÌNH KỸ THUẬT TRỒNG DƯA BỞ

A. Giới thiệu

Dưa bở hay còn gọi là dưa nứt, dưa hồng (Cucumis melo.L) là một loại dưa thuộc họ bầu bí (Cucurbitaceae).

Dưa bở có thân mọc bò, phủ lông ngắn, tua cuốn đơn. Lá dưa lớn, hình tim ở gốc, gần hình tròn hoặc hình thận, có 3 góc hay 3-7 thuỳ thường nhỏ, tròn, tù, có răng, hai mặt lá có lông mềm, trên mặt dưới cũng có lông, cuống lá có lông ngắn cứng. Hoa của dưa có màu vàng, hoa đực xếp thành bó, hoa cái mọc riêng lẻ. Quả đa dạng, hình dáng và màu sắc khác nhau tuỳ theo từng thứ, phần nhiều có vỏ vàng sọc xanh, nhẵn bóng hoặc có lông tơ mềm, thịt dưa màu vàng ngà, gồm chất bột mịn, bở, mềm, mùi thơm, ruột quả có nước dịch màu vàng, vị ngọt mát, màng hạt màu trắng.

Thịt quả dưa bở vị ngọt, tính hàn, có công năng thanh nhiệt, giải phiền khát, lợi tiểu. Đây là loại quả bổ dưỡng, giải khát rất tốt trong mùa hè nóng bức. Cuống dưa bở tính hàn, vị đắng, có độc, có công năng gây nôn, tống các thứ tồn tích trong dạ dày ra, lợi thủy. Dây cây dưa bở đem phơi khô trong bóng mát có tác dụng thông kinh, hoạt lạc, dùng để chữa chứng bế kinh ở phụ nữ. Nói chung, tất cả các bộ phận của cây dưa bở như dây, lá, cuống, thịt quả và hạt đều có thể dùng làm thuốc chữa bệnh.

Dưa bở được trồng tương đối phổ biến ở Việt Nam và được dùng làm nguyên liệu cho một số bài thuốc hoặc thức uống giải khát.

Giá trị dinh dưỡng có trong 100 g dưa bở tươi

Giá trị dinh dưỡng trong  100 g dưa bở
Thành phần Lượng Đơn vị Thành phần Lượng Đơn vị
Calo (kcal) 33 K.cal Protein 0,8 g
Lipid 0,2 g Vitamin A 3.382 IU
Cholesterol 0 mg Canxi 9 mg
Natri 16 mg Vitamin D 0 IU
Kali 267 mg Vitamin C 36,7 mg
Cacbohydrat 8 g Sắt 0,9 mg
Chất xơ 0,9 g Vitamin B6 0,1 mg
Đường thực phẩm 0,8 g Magie 12 mg
  Nguồn:Từ USDA (U.S. Department of Agriculture)  

B. Quy trình kỹ thuật trồng

I. Điều kiện ngoại cảnh

Dưa bở đòi hỏi sinh trưởng và tạo quả ở điều kiện khí hậu khô, ấm áp và đầy đủ ánh sáng. Biên độ nhiệt thích hợp nhất là từ 18-28ºC. Ở nhiệt độ dưới 12ºC, dưa bở sẽ sinh trưởng kém và bị chết rét.

Dưa bở sinh trưởng tốt trên các loại đất có tầng mặt dày, giàu dinh dưỡng, thoát nước tốt. Có độ pH 6-7. Trong quá trình sinh trưởng, dưa bở cần tưới nước rất ít hoặc nhỏ giọt.

II. Biện pháp kỹ thuật

1. Giống

Dưa bở thơm OP VA.69: Là giống Việt Nam, có khả năng kháng bệnh tốt, trái tròn dài, da xanh có sọc lem, khi chín chuyển sang màu vàng, thịt trái màu xanh, dẻo. Khả năng phân nhánh mạnh nên năng suất cao. Thời vụ trồng: Miền Bắc từ tháng 2 đến tháng 8, miền Nam trồng quanh năm. Thời gian thu hoạch 55-60 ngày gieo. Lượng giống cần thiết 200-250 g/1000 m².

Dưa bở cao sản OP VA.70:  Là giống Việt Nam, có khả năng kháng bệnh tốt, trái tròn hơi dẹt, khi chín chuyển sang màu vàng tươi, thịt trái màu xanh, dẻo. Khả năng phân nhánh mạnh nên năng suất cao. Thời vụ trồng: Miền Bắc từ tháng 2 đến tháng 8, miền Nam trồng quanh năm. Thời gian thu hoạch 55-60 ngày gieo. Lượng giống cần thiết 200-250 g/1000 m².

2. Thời vụ

Miền Bắc từ tháng 2 đến tháng 8, miền Nam trồng quanh năm.

3. Kỹ thuật gieo trồng

Dưa bở thường được trồng trên các thửa ruộng cao sau khi đã thu hoạch lúa. Gieo trồng dưa bở luân canh với lúa nước thường tránh được các mầm sâu bệnh và tuyến trùng gây hại đối với dưa.  Sau khi gặt lúa, đất được cày phơi ải, bừa kĩ, làm sạch cỏ, lên luống trước khi trồng. Dưa bở thường được trồng bằng cách thả bò dây trên mặt luống.

Gieo hạt: Dưa bở được nhân giống chủ yếu bằng hạt. Đất cần cày bừa kĩ, làm sạch cỏ và lên luống. Cây được trồng theo khóm, mỗi khóm 2-3 hạt, sau đó phủ một lớp đất dày 2-3 cm. Khi hạt nảy mầm sẽ tỉa thưa dần để lại những cây to khỏe.

Dưa bở có thể được trồng theo rạch, cây cách cây 50-75 cm và hàng cách hàng 1,5-2,0 m.

Mật độ trồng trong khoảng 10.000-15.000 cây/ha. Cũng có thể gieo hạt trong vườn ươm cho đến khi cây con được 2-3 tuần tuổi thì đưa ra trồng trên diện tích đại trà. Nếu gieo hạt trực tiếp trên đồng ruộng thì mỗi ha cần tới 2-2,5 kg hạt giống nhưng nếu gieo bầu đất, khay bầu  trước thì chỉ cần 1 kg hạt giống cho 1 ha.

4. Phân bón

Tùy theo độ phì và cấu tượng của đất mà chọn lựa các biện pháp bón phân thích hợp.

Nhu cầu về phân bón với dưa bở rất cao, lượng phân hữu cơ bón lót cần từ 20-35 tấn/ha. Trong quá trình sinh trưởng việc bổ sung thêm nước phân NPK loãng là rất cần thiết.

Ngoài ra, cần sử dụng rơm rạ để phủ quanh gốc cây và tỉa thưa bớt lá và quả (mỗi cây chỉ để 3-5 quả).

5. Chăm sóc

Chăm sóc sau trồng: Ngay sau khi trồng/gieo hạt cần tưới ngay để cây nhanh bén rễ, chú ý rễ dưa lê rất yếu không chịu được úng, nếu ruộng bị ngập nước cần tháo rút nước ngay.
Giai đoạn đầu nên sử dụng các loại phân dễ tan để bón cho cây dưa, đặc biệt là nguồn phân chuồng, phân bắc, phân xanh đã ủ mục. Nếu trời có nắng mưa xen kẽ rất dễ bị bệnh lở cổ rễ và thối thân nên phòng trừ bằng thuốc Validacin hoặc Topsin…

6. Phòng trừ sâu bệnh

Bọ trĩ: Có thể phun Polytrin hoặc Confidor 100SL, Admire 050EC, Oncol…
Dòi đục lá: Có thể phun Polytrin hoặc Bulldock 25EC, Regent…
Sâu ăn tạp: Có thể phun thuốc trừ sâu sinh học như Emamectin…

Bệnh chảy nhựa thân: Phun hay tưới Benlate hoặc CopperB 23% vào gốc. Phun ngừa dùng Antracol 75WP hoặc Topsin, Ridomil, Cuproxat, Aliette 80WP, Mancozeb, Fusin… Mặt khác cần giảm tưới nước, giảm bón đạm.
Bệnh thối gốc, lở cổ rễ: Bón vôi, luân canh với cây trồng nước. Phun ngừa và phun định kỳ dùng Topsin, Ridozeb, Validacin3SC, Ridomil …
Bệnh thối rễ, héo dây: Phun Ridozeb 72WP, Ridomil …
Bệnh sương mai: Có thể phun Antracol 70WP hoặc Ridomil 25WP, Daconil 75WP, Aliette 80WP…
Bệnh phấn trắng: Có thể phun Topsin, Anvil, Carbenda 50SC..
Bệnh thán thư: Có thể phun Antracol 70WP …
Biện pháp phòng tích cực là chọn các giống dưa bở có tính kháng bệnh khỏe, gieo trồng luân canh với lúa nước và xử lí đất bằng thuốc diệt nấm trước khi trồng.

7. Thu hoạch

Từ lúc trồng đến khi thu hoạch khoảng 55-60 ngày sau , từ lúc hoa cái tàn đến khi quả chín khoảng 30 – 35 ngày. Thời gian thu hoạch rộ kéo dài 25 – 30 ngày. Thu hoạch dưa xong cần xếp dưa ở nơi thoáng mát khoảng 1 – 2 ngày để tăng phẩm chất và hương vị dưa bở.

 

Bình luận